Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu, ngành cơ khí Việt Nam cần được đổi mới từ cơ chế, chính sách đến công nghệ, nhất là ở những khâu có giá trị gia tăng cao.
Sản xuất xe máy điện của Công ty Pega Việt Nam. Ảnh: Lê Nam
Mới đáp ứng được hơn 30% nhu cầu
Báo cáo của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 50 tỷ USD, trong đó, sản xuất trong nước đạt 16 tỷ USD, chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu. Trong khi đó, mục tiêu đề ra phải đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010. Lý giải về thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long cho rằng, sau 20 năm phát triển, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với thế giới. Phần lớn việc tổ chức DN, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0 nên sản phẩm cơ khí... thua kém các nước trong khu vực.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến ngành cơ khí Việt Nam tụt hậu là do tình trạng đầu tư tự phát, yếu kém của các DN trong nghiên cứu thị trường. Hơn nữa, quản lý sản xuất, thiết bị công nghệ yếu kém dẫn đến các sản phẩm cơ khí vẫn chủ yếu là gia công kết cấu thép. Bên cạnh đó, ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với quốc tế.
Ngoài ra, theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, sự liên kết và tập hợp của các DN trong lĩnh vực cơ khí còn hạn chế. Ở các nước phát triển, các tập đoàn lớn thường sáp nhập với nhau để cùng tồn tại nhưng ở Việt Nam, các DN cơ khí của Nhà nước rất khó sáp nhập để hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư và phúc lợi cho Nhà nước. Chính tồn tại này là nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.
Không nên đầu tư dàn trải
Trước những điểm nghẽn đang khiến ngành cơ khí Việt Nam phát triển ì ạch, nhiều DN ngành cơ khí đề xuất Chính phủ nên tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại. Các tập đoàn công nghiệp lớn nên quan tâm đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình. Cụ thể, ngành dầu khí đầu tư làm giàn khoan biển, đóng tàu chở dầu cỡ lớn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư sản xuất máy khai thác quặng, tuyển khoáng… Cuối cùng, Nhà nước cần có những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí xuống dưới 5%, thuế thu nhập DN còn 15 - 20%. Có như vậy, DN cơ khí Việt Nam mới có cơ hội bứt phá so với các nước trong khu vực và thế giới.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam Hồ Mạnh Tuấn nêu rõ: Nhà nước nên tập trung khuyến khích đầu tư cho các DN có sản xuất quy mô công nghiệp, có thị trường tiêu thụ, không nên đầu tư dàn trải. Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp nước ta có thể chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Nhằm hỗ trợ DN cơ khí phát triển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các DN. Đồng thời phối hợp với cộng đồng DN đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các DN và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN ngành cơ khí.
Duy Khánh (Theo Lê Nam http://kinhtedothi.vn/phat-trien-nganh-co-khi-lua-chon-san-pham-trong-diem-324829.html)